MIỆT THỨ CÀ MAU
- Phan Phi Hung
- Sep 14, 2017
- 31 min read
Em yêu anh nên đành xa xứ.
Xuôi ghe chèo Miệt Thứ Càmau.
…….
Suơng khuya ướt đọng giàn bầu.
Em về Miệt thứ bỏ sầu cho ai?.
(Bài ca em về Miệt-thứ)

Camau nơi có nhiều kỹ niệm khắc sâu vào lòng tôi nhất, vì là tỉnh đầu tiên tôi chập chửng bước vào đời tìm kế sinh nhai với nhiều nổi lo âu buồn vui trăn trở. Buồn vì không được học hành đến nơi đến chốn, buồn vì phải chia tay với người thương còn cắp sách đến trường. Vui vì từ nay được giúp đỡ cha mẹ tôi trong lúc khó khăn nghèo túng, được giúp các em tôi tiếp tục học hành.
Do nghề nghiệp chuyên môn, 5 năm tôi lặn lội khắp cùng Camau, trong đó có những địa danh rất phổ biến như: U minh, Năm căn, Trè trẹm, Chắc băng, Cạnh đền. Câu ca dao “Muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lền tựa bánh canh” . hoặc câu hát đưa em “ Bông bần rụng trắng bờ sông, lấy chồng xa xứ khó mông ngày về.” Đó là hồi xửa hổi xưa, hồi còn nê-địa hoang dã, chớ năn 1957 Camau được khai phá , không còn đáng sợ mà rất dễ thương dễ nhớ. Vì thể tôi mạo muội trang trải ra đây những gì mắt thấy tai nghe và lòng cảm nhận sự việc hơn 45 năm về trước. Nếu bạn đọc nào chưa đến Camau cũng có thể biết qua một góc nhỏ đáng yêu của quê mình. Bạn đọc nào đã có dự phần cũng là dịp để chúng ta gợi nhớ gợi thương để cùng nhau chia xẻ những kỹ niệm không thể nào quên nơi quê nhà ngày cũ.
Camau cách Bacliêu 66 km, là một Quận củ của tỉnh Bacliêu lâu đời. Năm 1956 được Chánh Phủ Việt Nam Cộng Hoà nâng lên thành tỉnh An Xuyên, gồm có 6 Quận : Quản long, Thới Bình, Sông Ông Đốc, Cái nước, Đầm Dơi và Năm căn. Sau chín năm chiến tranh tàn phá cả tinh thần lẫn vật chất, ruộng vườn hầu hết bỏ hoang, dân chúng tản cư ra sống tạm ngoài thành thị, nguồn sống hầu như khô cạn, niềm tin bị hao mòn trong tang tóc đau thương.
Do đó khi trở thành tỉnh, vấn đề kiến thiết và chỉnh trang là mục tiêu hang đầu của chương trình tái thiết nông thôn của Chánh Phủ. Nhằm hồi cư, phục hưng lại tinh thần cũng như vật chất, đem lại niềm tin cho dân chúng trong tinh thần tự do dân chủ.
Địa thế tỉnh An Xuyên có những đặc điểm khác biệt so với những tỉnh khác trong vùng đồng bằng sông Cữu Long. Vì là vùng rừng nhiều, đất thấp , ngập lụt quanh năm, chưa mở mang khai phá nhiều. Hệ thống kinh rạch chằn chịt nhau thiên nhiên cũng như nhân tạo, tràn ngập dừa nước, ô rô, cốc kèn, choại, lau sậy. Giao thông hầu hết bằng đường thủy. Sông rạch nhiều vô số kể, năm con sông lớn là sông Cái Lớn, còn gọi là Cửa Lớn, Bồ Đề, Gành Hào, Bảy Háp và Sông Ông Đốc.
Quận Năm Căn cách thị xã Càmau khoảng 65 cs, có 2 xã: Năm Căn và Viên An, chợ nằm bên hũu ngạn sông Cửa lớn, dân tứ xứ đến đây nhà cửa cất tạm để ở làm ăn, chỉ có Hạt thủy Lâm bằng gạch xây tường, họ sống về chài lưới cá tôm, phần lớn là đốn củi đước từ rừng cấm về bán cho các lò than, lò than nhiều như nấm mọc, ngày đêm khói lên nghi ngút. Toàn Quận là rừng đước trên 70 ngàn mẫu, có địa vị quan yếu về kinh tế, là vựa than của Miền Nam. Đó là rừng vàng.
Bạc biển là xóm ngư dân ngoài Vàm Sông Ông Đốc, thuộc Quận Sông Ông Đốc. Việc đánh bắt cá biển tàn lụn thời chiến tranh, bây giờ bừng lên phát triển mạnh. Ngư dân mua tàu mới , lưới mới, hoặc lo o bế lại giàn lưới cũ, sửa sang lại ghe máy. Con nước thuận tiện để ra khơi đánh bắt từ tháng hai đến tháng tư. Thời gian nầy ghe tàu tấp nập đi về, ngày cũng như đêm khi tàu về, trên cầu tàu, nơi bờ sông đèn măng xông thắp sáng một góc trời. Tiếng máy nổ tiếng cười nói, tiếng la hét vô cùng náo nhiệt. Thỉnh thoảng tàu đánh cá nước ngoài cũng hay mua cá chở qua Singapore, Malaysia,Indonesia hay ghé đổi thuốc thơm con mèo loại nhỏ 10 điếu không đầu lọc để lấy nước ngọt. Phần nhiều dân đánh cá trẻ hút thuốc nầy, người đứng tuổi ghiền Bastos đen hay Cotab do hảng thuốc MIC Saigon sản xuất. Giải trí của họ sau chuyến ra khơi về là đờn ca, cờ bạc, rượu chè.
Xa ngoài cửa Sông Ông Đốc 18km có hòn Đá bạc rộng hơn 10 cây số vuông, nằm ngoài khơi Vịnh Thái Lan, do nhiều hòn đá trắng kết hợp lại , bốn bề sóng bủa ầm ầm ngày đêm giữa trời nước bao la, phong cảnh thật hùng vĩ. Theo ngư dân địa phương, đó là nơi trú ẩn an toàn của tàu đánh cá, ghe thương hồ mỗi khi biển động gió lớn nổi song to.
Quận có 3 xã: Phong Lạc, Khánh Bình Đông và Khánh Bình Tây. Quận đặt tại ngả ba sông Ông Đốc và Rạch Ráng, không có phố chợ, nằm trơ trọi như đồn lính, lặng lẽ, buồn tênh. Bên kia rạch phía bên hông Quận có vài ba quán bán tạp hóa, giài khát, lèo tèo. Quận Trưởng bây giờ là Trung úy Bảy, đứng tuổi không mang vợ con theo, dáng người khắc khổ, trang nghiêm, nổi bật là phong thái nhà binh còn lại trên vầng tráng cao. Ít lặn lội trong dân chúng, rảnh rổi thường hay ra phía sau Văn phòng nằm đong đưa trên võng suy nghĩ việc nhà, ưu tư việc nước.
Quận Cái Nước có nhiều xã nhứt như Tân Hưng, Tân Hưng Đông, Tân Hưng Tây, Thuận Hưng, Hưng Mỹ và Phú Mỹ.
Đặc biệt Quận Cái Nước có một vùng đầm lầy hiểm trở hoang vu giáp với rừng U Minh được Cha Hoá thành lập làng Bình Hưng với người Bắc Di cư dưới quyền lãnh đạo của Cha Hoá. Tổ chức nầy thực hiện mạnh mẽ gấp rút để đề phòng mọi mưu toan nổi dậy của cộng sản nằm vùng. Làng Bình Hưng tiến triển rất nhanh cả hai măt bảo vệ an ninh và tăng gia sản xuất, chấp nhận sự thách đố với thiên nhiên và CS, vì lâu nay vùng đất hẻo lánh nầy được dùng làm điểm giao liên của các lực lượng cộng sản Nam phần. Họ là một nhóm nhỏ trong hơn một triệu người đã di cư được vào Miền Nam tự do, vượt qua mọi chướng ngại hiểm nguy, chấp nhận một sự thách đố lớn lao của lịch sử. Đa số họ làm nghề nông cần cù, tháo vát, đồng tâm nhất trí, san xẻ trách nhiệm chung và bảo vệ an ninh chung. Chánh quyền địa phương cũng như Trung ương có nhiệm vụ giúp đỡ tối đa về mọi lãnh vực kinh-tế, xã hội, giáo dục, phòng thủ nhưng động cơ chánh vẫn phải là đồng bào di cư. Chỉ trong vòng một năm họ đã vượt qua mọi thử thách cam go để lập lại cuộc đời ở Miền Nam tự do nầy và khởi sự phát triển nhanh chóng. Nhà thờ, nhà thương, trường học, chợ được xây cất đầy đủ khang trang, làm cho mọi người dân địa phương vốn chất phát hiền hoà hết lòng ngưởng mộ và thán phục.
Cũng có thể nói làng Bình Hưng dưới quyền lãnh đạo của Cha Hoá là một mô hình lý tưởng cho việc thực hiện Ấp Chiến Lược sau nầy để ngăn chận hữu hiệu chiến lược khống chế nông thôn để thôn tính Miền Nam của CS. Thật ra mô hình tương tự Ấp chiến lược trước đây ở Mã Lai đã thực thực hiện nhiều năm đã làm cho CS Mã Lai không bám được vào dân chúng ở nông thôn, phải đi dần đến chỗ tan rả, một phần bị loại trừ, một phần về đầu thú với chánh quyền Quốc gia. Chánh Phủ thời Đệ I Cộng Hoà thành lập quốc sách Ấp chiên lược hay Khu trù mật về sau là dựa theo sự thành công vô cùng tốt đẹp nầy ở nước bạn Mã Lai.
Quận Cái Nước ruộng lúa không Quận nào bằng, nguồn lợi cá đồng vô cùng phong phú. Điển hình là khi tôi đến đo đất ruộng của Ông Phủ Đẩu trên 200 mẫu tây tại Ấp Cái Giếng , ruộng trủng sâu hơn các nơi khác, từ nhà nầy qua nhà kế bên cũng phải đi bằng xuồng ba lá mà nhà nào cũng phải có một hai chiếc để làm chân. Có những láng sâu không cấy lúa đuợc mọc toàn điên điển, điên điển bông vàng làm dưa chua ăn cơm tuy không ngon bằng dưa bồn bồn. Có câu hát : “ Lục bình bông tím, điên điển bông vàng, điên điển mọc ở ruộng đồng, lục bình trôi nổi bình bồng khắp nơi “. Chúng tôi đến đây khoảng tháng năm tháng sáu, lúa mùa nở bụi sắp trổ đòng đòng. Do giấy giới thiệu của Xã chúng tôi đến ngụ nhà bác ba Trưởng Ấp, ở lâu mới thấy bác hiền lành, chơn chất, anh Năm con trai bác chưa vợ chơi đàn lục huyền và ca vọng cổ rất hay. Hai anh đạc công đi với tôi, anh Tường quê ở Bãi sàu Sóc Trăng, anh Xứng ở Thị xã Camau cả hai cũng biết ca 6 câu nên rất dễ gần gũi thân tình. Ban đêm mấy anh thanh niên trong xóm giăng câu bắt cá, đặt trúm bắt lương, nhiều nhứt là cá lóc, cá rô, đôi khi cũng có cá trèn bầu, trèn bầu cở hai ba ngón tay, không vảy, đầu ngắn miệng rộng, môi vễnh lên nên dân giang có câu hát “Cá lưỡi trâu sâu ai méo miệng, cá trèn bầu nhiều chuyện trớt môi”. Lương nấu canh chua, cập gấp nướng sơ kho mắm , kho khô xã ớt thứ nào ăn cũng ngon cơm. Ruộng sâu không sợ hạn hán lại còn nhiều cá nên ông bà mình thường nói đến cái lợi để truyền dạy cho con cháu “Ruộng sâu trâu cái”. Nghiệm ra thật chí lý. Có đêm họ đồng ý với nhau thăm câu giác đầu tiên gom lại hết, đem đến nhà bác ba Trưởng Ấp tổ chức nấu nướng ăn uống đờn ca, Cá lóc tơ con cào con nấy bằng cổ tay mập ú núc, mớ nấu canh chua trái giác với bắp chuối, mớ nướng trui, vùng nầy nước mắm biển, nước tương , rau cải rất hiếm, nhà nào làm mắm mới có nước mắm đồng do gài mắm nước nổi lên trên màu vàng, thường dùng nêm canh hoặc kho cá chớ ăn sống không quen hơi khó, nên chất chấm lấy muối ớt làm gốc, vứa mặn vừa cay vừa đậm đà tình nghĩa , Bắp chuối và cây chuối non là món ăn thông dụng nhất. Gần như nhà nào ở vùng quê Miền Nam cũng có trồng chuối ít nhiều. Chuối bứng con trồng rất dễ, không cần chăm sóc, đến trổ bắp hồi nào cũng không hay, bắp chuối màu tím lợt, cuống tròn lớn hơn cổ tay dài ra, ngọn bắp chuối từ từ quay xuống đất, bẹ ngoài lần lượt nở ra để lộ những nãi chuối tắm mẵn xanh non nằm sắp lớp thật dễ thương, đến nãi chót đèo đẹt một hai trái, bắp chuối trở thành màu nâu thẫm là cắt ăn dược. Ngon nhất là bắp chuối hột, lá chuối hột gói bánh cũng ngon hơn những thứ lá chuối khác, trái chuối hột ăn lúc còn non chát với khế chua rau sống, cặp lòng heo chấm mắm nêm xã ớt lai rai rượu đế không còn gì bằng. Khi buồng chuối đã già, đốn luôn cây mẹ xắt trộn cám cho heo ăn, bẹ xé phơi khô làm dây cột, cây nào có nhiều con chặt bớt, chuối con xắt nhuyển nấu canh chua hoặc trộn với rau râm làm rau ghém chấm mấm kho cũng ngon cơm lắm. Thông dụng nhất là chuối xứ, chuối già, chuối cao hiếm qúy. Cây chuối lợi ích như cây dừa, bộ phận nào cũng hữu dụng cả. Chuối có đặc điểm trồng sát sau hè càng tốt lại còn được nghe “Gió đưa buội chuối sau hè…
Trở lại cuộc vui đồng quê. Khi vào tiệc, lúc đầu còn nói chuyện mùa màng, trời trăng mây gió, chập sau rượu vào là hừng chí đờn ca trổi lên, rượu càng nhiều ca càng mùi mẫn, vọng cổ Bacliêu mà.!. Có một anh đứng tuổi ca bản tôi không biết tên gì làm cho tôi bâng khuâng mãi vì bản nầy tôi đã nghe qua hồi chín mười tuổi ở quê nhà. Anh không nói lối nói lung gì cả mà vô trực tiếp rồi xuống hò… Sương khuya mờ mệt bóng vạc về…Mà người thiếu phụ vẫn còn lặng ngồi bên nhịp cửa song, đưa mắt tầm trông theo bóng vạc mà mạch cãm hoài tự bao giờ đã chảy… Thường thì ca những bản theo truyện tàu như Tôn Tẩn giả điên, tống tữu Đơn Hùng Tín, Tần Quỳnh khóc bạn, nổi bật nhất là tống tữu Đơn Hùng Tín vì bản nầy có nhiều người ca : Đơn Hùng Tín, Giảo Kim, La Thành và Tần Thúc Bảo. Tội nghiệp anh đóng vai Đơn Hùng Tín uống một hơi ba bốn ly do Giảo Kim dâng, tuồng dứt anh gục luôn. Vui chơi nhưng không quên thay phiên nhau đi thăm câu, có khi tới gà gáy mới chia tay. Thật ra con người coi rượu là tri kỹ cũng đáng vì rượu là niềm vui, nổi buồn, khi trùng phùng cũng như hồi ly biệt. Họ nhiệt tình cởi mở, không màu mè, có sao nói vậy thật đáng quý. Khi chúng tôi rời nơi nầy qua Ấp Cái Cấm kế bên. Ấp Cái Cấm nằm trong ngọn rạch Cái Cấm, có xóm đạo có nhà thờ lâu đời của dân địa phưong. Chiều nào tốt trời là họ chống xuồng qua rũ chúng tôi trở lại chơi cho bằng được.
Khi ra đi tôi cũng mong có ngày trở lại và tôi đã trở lại. Trời nhá nhem tối , nhà ai cũng lên đèn dầu chập chờn khi mờ khi tỏ. Xuồng cập bến vừa bước lên bờ là có Bác ba anh Năm chờ sẵn. Bác đon đã, các cháu cơm nước gì chưa ? Chúng tôi ăn rồi nhưng cố đáp là chưa, để được thưởng thức lại những bữa cơm đồng quê ngon miệng rất gợi nhớ gợi thương do cô Út con gái út của Bác ba nấu. Mở cửa hông, ngọn gió thổi lùa vào bếp làm ngọn lửa lá dừa bùng lên nổ răn rắc, tàn lửa nhỏ tủa ra như pháo bông, tôi lật đật khép cửa lại. Cô Út đã ngồi sẵn trong bếp tự bao giờ, liếc nhìn tôi cười nụ như thể cám ơn mà không nói, tôi mĩm cười nhìn bếp lửa. Lửa hôm nay cũng vui, ánh lửa mơ hồ huyền hoặc, soi rõ gương mặt cô tươi sáng dịu hiền, với nụ cười hơi thẹn thùng e ấp, làm cho đôi má ửng hồng, tóc cô búi cao, còn lại tóc mai mềm mại bay lất phất, cô mặc áo bà ba vải đen bó sát vóc mình thon gọn, tầm thước, nồng nàng đầy sức sống. Tôi đến ngồi gấn bếp lửa , tay không lạnh nhưng cũng đưa ra hơ. Tôi cảm thấy sao mà thân mật, sao mà gần gũi, ấm áp… Rồi tôi nghe chừng như mùi xà bông Cô ba mà tôi đã biếu cô khi rời khỏi nơi nầy, có lẻ cô mới gội đầu hồi chiều nên mùi thơm còn phảng phất quanh tóc đen nhánh mượt mà. Hầu hết mấy bà mấy cô ở thôn quê gội đầu bằng trái bồ kết đốt cháy nấu lấy nước lóng trong, gội đầu tóc sạch óng ả , có mùi thơm đặc biệt đồng ruộng. Cô đang luộc cá lốc bằng nước hèm nấu rượu để dẻ thịt trộn với chuối cây non xắt mỏng thêm rau râm làm gỏi cho mấy anh đờn ca lai rai. Cô bớt lửa, nhắc nồi cá xuống nói :
Để hâm lại cá kho cho mấy anh ăn cơm.
Mình ên tôi chưa thôi.
Vậy sao? Rồi cô nhìn tôi cười.
Tôi nói thiệt đó.
Không phải vậy, nghe anh nói mình-ên, mắc cười.
Tôi muốn bắt chước tiếng mình-ên dễ thương của cô đó, và tôi cũng muốn nói : Tới
đây thì ở lại đây, Chừng… mới nói được chữ chừng , tròn câu sẽ là Chừng nào bén rễ xanh cây hãy về. Bất chợt bác ba ngậm điếu thuốc vấn te te xuống bếp lấy lửa mồi, làm tôi sượng nín luôn. Bác bập bập vừa nhã khói vừa đi lên nói:
Lên làm bậy vài ly cho ấm bụng chú.
Ngồi gần bếp lửa cũng ấm rồi bác ba.
Bác cười, tuy nói vậy nhưng tôi thấy ngại nên đứng lên đi theo bác. Cô Út cười nụ nói vói theo .
Bộ anh không ăn cơm sao?
Ăn, nhưng chưa bây giờ.
Vậy tôi bắt nồi cháo lên để khuya mấy anh dằn bụng. chừng nào cháo chín kêu anh.
Tôi quay lại mĩm cười.
Vừa đến bộ ván ba, chứa chin mười người, đờn ca đã ngưng, một anh ngâm :Cầm vàng mà lội qua sông , Vàng rơi không tiếc, tiếc công đợi chờ…Anh Tường đạc công nghe vậy hiểu ý lật đật cầm ly rượu lên trình làng và xin lỗi. Uống xong anh trao ly cho anh Bảy ngồi kế bên. Anh Bảy cầm ly nghiêng nghiêng hỏi:
Xin hỏi nhỏ anh Tường quê ở đâu?
Bãi sàu Sóc Trăng.
Vậy mà tôi tưởng anh ở Thủ Thừa .
Mọi người cười rộ, anh Tường lật đật lấy lại ly ngửa cổ trút, lấy tay vổ đít ly hai ba cái. Theo thông lệ ở đây, uống xong trút ly xuống không còn giọt nào mới được. Họ uống xây vòng, tùy người uống đầu tiên chộ phải trái gì cũng được. Anh Năm chủ nhà ngồi nhích qua một bên rủ tôi nhập cuộc, tôi thoái thác, anh mượn ly rót đầy mời tôi với anh uống một ly giao cảm. Một anh khác nói đó là anh uống riêng với anh Năm, bây giờ tôi xin đại diện anh em uống tình nghĩa với anh một ly. Không thể chối từ. tôi cố gắng… Đúng là: Rượu nồng xin chớ bỏ qua, Cùng nhau uống cạn mới là tri âm. Uống xong tôi vọt lẹ qua bên kia, chui vô mùng anh Năm, kế bên giường bác năm, hai bác cháu nằm nói chuyện CảI Cách Điền Địa, chuyện mùa màng cá mắm một chập, tôi ngủ thiếp đi hồi nào không biết. Lần sau nữa tôi để hai anh đạc công đi, tôi thoái thác năm nhà để dằn lòng mình lại vì tôi nghe nó đang chớm bang khuâng, đang biến đổi khác lạ, đang muốn vì thương em nên đành xa xứ. Xuồng tách bờ, tôi muốn kêu lại nhưng rồi cố nhũ lòng, đừng không nên. Trời gió nhẹ làm rung rinh lá bần trước ngõ, mùa hè đã đến gợi cho tôi nhớ lại bao kỹ niệm êm đềm hồi còn đi học. Mỗi năm khi sân trường đầy hoa phượng đỏ, ra rả tiếng ve sầu, là báo hiệu mùa chia tay tạm biệt bạn bè, với bao mối tình chớm nở, tình học trò, tình vẫn chưa yêu…
Cá tôm ở vùng nầy sinh sôi nẩy nở vô cùng phong phú, giăng câu, giăng lưới bắt đâu có hết. Khi lúa trổ đòng đòng rồi ngậm sửa, nước không lên thêm mà rút dần ra sông rạch, cho ruộng khô lúa mau chin. Nước chảy ra những đìa đào sẵn, báo hiệu thời kỳ nước dựt, cá tôm tuôn theo nước, những con chần chừ nước rút nhanh kẹt lại người ta đi bắt gọi là cá cạn, còn cá rút xuống đìa cứ tưởng đã yên thân, không ngờ khi mùa gặt xong, qua Tết chỉ chờ lúc thuận tiện là tát, chở ra chợ bán, làm mắm, xẻ khô để dành. Đó là cá nước.
Chim trời là Sân chim, mà lúc bây giờ chỉ còn có một, nằm cặp theo bờ sông Bảy Háp thuộc đất ông Huyện Truyện Ấp Nhà Thính. Chúng ngang nhiên kéo tới ở, làm ổ trên những cây bần, cây vẹt mắm, ráng,choại dài cả cây số. Ban ngày chúng đi kiếm ăn rải rác khắp cánh đồng, chiều tối kéo về có đàn có lũ, bay lượn rợp trời kêu la dậy đất, nhiều nhứt là cò ma, cò ráng, cò trâu, kế đến là diệc mốc, diệc lửa, giò đãi, nhan sen, chàng nghịt, chàng bè, cúm núm…Cứt đái do chúng bài tiết ra năm nầy tháng kia, thành một lớp dầy trên mặt đất không cây cỏ gì sống được. Mùi hôi tanh nồng nặc bốc ra quanh vùng. Khi tôi đo đất ở đây, chú Tuần khạo của chủ ruộng bắt chim con mới ra ràng, nghĩa là mới mọc lông cánh chớp chớp tập bay, , làm sạch, ướp ngũ vị hương, rô ti nước dừa, mềm thơm ngon , ăn cơm quên thôi, lai rai với rượu đế ly cạn ly đầy cũng hết sẫy. Theo thông lệ địa phương mặc dù là chim trời cá nước, nhưng cá ở ruộng ai thì người đó hưởng; chim ở trên đất ai thì người đó nhờ, cho nên tại sân chim bà con sống quanh vùng muốn bắt ăn thịt, thì họ bơi xuồng cập bờ sông dùng giàn thung bắn chận khi chiều về chúng sà xuống tìm chỗ đậu, không được bắn khi chim đã đậu trên cây.
Cập theo sông, qua khỏi điền Quốc gia là đến rạch Bà Hính, vào cận Tết, nước sắc lại đặc lừ cá sặc bổi, còn gọi là cá lò tho, lớn bằng bàn tay, bà con mạnh ai nấy chài bắt. Chài là tấm lưới nhỏ tròn lớn cở cái dù của lính nhảy dù, ngoài rìa viềng lòi tói chì nhỏ, trên núm có sợi dây dài chắc, người ta đứng trước mũi xuồng, một tay nắm dây chài được xếp kỹ trên tay khác, uống mình dùng sức rải mạnh ra ,chài bung tròn úp xuống mặt nước chìm lẹ bao cá lại, bây giờ hai tay kéo lên chài nhốt cá bên trong, vạch bắt xong xếp chài lại rồi cứ tiếp thếp tục, coi vậy mà khó, tôi có tập thử, không thảy nổi ra xa, chài lại không bung tròn có khi còn té xuống nước nữa. Chài có hai cách: cách đơn giản khi bắt chài thành ba nhúm, một nhúm đưa lên cùi chỏ, hai nhúm còn lại chia hai tay rồi quăng gọi là chài ba mớ; cách đẹp hơn là bắt thành năm nhúm: một nhúm kẹp vào nách, bốn nhúm còn lại chia đều vào bốn ngón tay rồi quặp lên bàn tay đang cầm núm chài, đứng dung thế để xoay tròn quăng chài ra trông thật đẹp mắt gọi là chài kiểu. Bởi vậy mỗi khi đứng trên bờ nhìn người vài chài trên sông là biết ngay người đó sử dụng cách nào. Ông bà ta nhất là các cô gái thôn quê thường khen người chài kiểu. Lúc vải chài, người bơi lái phía sau ghìm cây giàm thật chặt để giữ thăng bằng cho chiếc xuồng khỏi chao đảo.Thời gian ở đây chúng tôi ăn cơm toàn với khô sặc bổi nướng, chặt dừa lấy nước làm canh ăn cơm cũng quên thôi và nhớ mãi. Ông già bà cả ở đây rảnh rổi thường hay ăn khô bổi nướng uống trà nói chuyện đời.
Xuống xa hơn nữa, phía hữu ngạn là Ấp Cái keo có mười mấy hai mươi mẫu đất gò. Mấy chục gia đình người Việt gốc Miên sống hoà đồng với người Việt, chuyên trồng hoa mầu phụ như: các thứ rau, đậu, cũ, xã, ớt, họ bán khắp vùng, và bỏ mối cho bạn hàng chở ra chợ xã chợ Quận bán. Trong cuộc sống tuy thiếu thốn mọi tiện nghi nhưng thật cam lòng an phận chẳng lo nghĩ gì tới ngày mai. Cũng nơi nầy lần đần tiên tôi được nếm mùi mắm bồ hốc kho xã, chấm rau bông súng. Bông súng mọc từng bụi lá tròn nằm sát mặt nước, bông vượt cao lên, cánh trắng có viềng vàng, phía trái màu xám nhạt có sọc, bông súng đỏ ít thấy như ở ao hồ thành thị, cọng bông bằng ngón tay út ngắn dài tùy theo nước sâu cạn, mập ốm tùy theo đất tốt xấu, tước võ có màu phớt tím óng ánh, ăn giòn. Mắm bồ hốc đai khái cũng giống như mắm của ta nhưng không chao dường và thính, rụt rã hơn. nặng mùi hơn. Có điều họ sống gần người Việt nhưng không chịu bắt chước sửa đổi cuộc sống tiến bộ. Nhà cửa thấp lè tè, siêu vẹo, không cao ráo gọn gàng sạch sẽ, bếp nút không ngăn nấp, bầy hầy. Lười nấu ăn nên mọi thứ cá lớn nhỏ bắt được đều nướng trui chấm muối ăn cơm. Chị láng giềng người Việt chỉ cho họ cách nấu canh cải trời với tép mòng họ cũng nêm một chút mắm bồ hốc cho có mùi quen thuộc. Cải trời ở đây mọc tràng đồng, gặp lúc tiết trời điều hòa chúng phát triển rất nhanh, ăn không hết, trổ bông vàng hực. Câu hát ru em : Gió đưa cây cải về trời, rau râm ở lại chịu đời đắng cay.
Chúng tôi học một mớ tiếng Miên, nói xí xô, xí xào với mấy cô nàng cũng vui : Xi bai : ăn cơm, phất tức : uống nước, cà bây xi sâu : con trâu ăn lúa, ôn ơi tưu na : em ơi đi đâu, tưu lên : đi chơi.. Chọc ghẹo tới tấp mấy cô nàng chỉ vui cười chớ không giận. Một số mấy bà mấy cô cũng còn vận sà rông, mặc áo cánh đen bạc màu trắng phết, giải nắng giầm mưa quanh năm nên nước da họ đen hơn màu áo. Có thể nói rằng họ rất chịu khó nhưng không siêng năng cho lắm, ham vui chơi, thích một ngày hai điệu lâm thôn như ở Sóc Trăng. Họ sống tàng tàng qua ngày, không có lương thực dự trử như người Việt.
Muỗi kêu như sáo thổi, tôi đã nghe thấy từ ngày đầu xuống đây, khoảng đường từ Giá Rai xuống Tắc Vân , thỉnh thoảng có chuồng trâu giăng mùng, ban ngày được vén lên. Sau lội vào đồng ruộng mới biết thêm nông dân thường ăn cơm chiều rất sớm, nếu cần nghỉ ngơi, nói chuyện nhà chuyện cửa, chuyện ngày mai phải làm gì thì mùng ai nấy chui vào để tránh muỗi bay như trấu giải, thỉnh thoảng hỏi nhau ngủ chưa ? Vì có khi người nầy còn đang nói mà người kia đã ngũ tự bao giờ...
Đĩa lền tựa bánh canh, khi tôi đo đất ở vùng tương đối cao ở kinh xáng Đội Cường, xã Tân Hưng lảm ruộng còn cày bừa bằng trâu, nên công cấy phải mang theo lon sửa bò đựng vôi ăn trầu và một que quẹt, khi bị đĩa đeo phết vào là chúng lập tức rớt xuống “ Dãy đanh đạch như đĩa phải vôi là vậy. Để thử xem nhiều ít ra sao, tôi đứng trên bờ ruộng thọc một chân xuống nước quậy sộn sộn hai ba cái là y như rằng chúng sãi đến đủ cở, nhỏ kêu đĩa mén, lớn gọi đĩa trâu, đĩa trâu lưng móc cời, bụng vàng nâu có hai sọc vàng như dây cương ngựa, chúng quanh quẩn một hồi thấy không có gì, tự động tan hàng trông khiếp quá.
Cũng tại vùng nầy một buổi chiều nắng muộn trời trong, cảnh vật hữu tình. Ông Quận Trưởng và đoàn tùy tùng có cả Ủy viên Cảnh sát xã Tân Hưng đến thăm dân cho biết sự tình. Đại úy Ngô văn Chuyện trẻ tuổi đẹp trai có kèm theo bông hoa đồng nội mơn mởn đào tơ, hồi nầy chưa có tham nhũng chỉ có hào hoa. Đoàn được Ông Hội đồng Viễn tiếp đãi nồng nhiệt, tôi còn nhới mãi buổi cơm tươm tất, nhất là món lươn um, lựa lươn lớn vàng, lột da , lấy thịt bầm chung với thịt ba rọi, bún tàu, ướp ngũ vị hương, vồn trở lại thành con lươn như cũ, khoanh tròn lại đem um với lá nhào non, nước dừa xiêm. Theo chủ gia cây nhào là dược thảo kỳ diệu, rễ là trái đều có công dụng trị thấp khớp, nhứt mình mẫy, hạ máu cao..v.v..
Giáp với tỉnh Kiên Giang, Chương Thiện là Quận Thới Bình, có 4 xã, hai xã Kánh Lâm và Khánh An là rừng tràm U Minh Hạ, nguồn lợi có từ cừ tràm, cột kèo cất nhà, mật ong, sàp.những con rạch từ trong vùng nầy chảy ra như rạch Cái Tàu nổi tiếng có nhiều cá bông, nước màu nâu sậm do lá khô mục lâu đời trông như muốn kẹo lại, ruộng lúa ít, có vườn cây trái hai bên; hai xã Thới Bình và Tân Phú ruộng lúa nhiều.dân ở theo hai bên bờ rạch, nếu là kinh thì dược chia cấp theo trăm ngang, ngàn dọc tức 10 mẫu tây. Chung quanh nhà trồng hoa mầu phụ, nhiều nhứt là mía thanh diệu võ nâu ngọt mềm, mía tây vàng óng ánh ngọt thơm, bó thành bó chở ra chợ bán, chặt khúc bán xước ăn tại chỗ. Ruộng nước sâu toàn năng mọc, muốn cấy lúa nông dân phải dùng phản phát sát gốc, sau mỗi nhát phản kêu cái sộn sũi bọt lên, tay khác cầm cù nèo cào năng đứt sang một bên, cứ thế tiếp tục. Công việc quen tay chớ đàn bà khỏe mấy cũng không phát nổi, chờ vài tuần năng mụt bắt đầu cấy, dùng cây nọc nhọn đầu ghim xuống đất cho có lỗ rồi nhét mạ xuống, ngọn mạ phải lé đé nước hoặc cao hơn một chút để chúng đủ thời giờ sống vược theo. Nước ruộng trong không có đĩa, nhưng bờ lau sậy lại có vắt, chúng nhỏ bằng chưn nhang mà nguy hiểm hơn đĩa nhiều, thời tiết thích hợp nhất là : Trời không nắng cũng không mưa, chỉ hiu hiu gió cho vừa nhớ thương.( Hồ-Dzếnh). Khi đo đất ai nấy lo bận tâm càng lau sậy, chúng đeo cắn hút máu rất êm, nhẹ nhàng ,mình không hay biết, khi no buông mình rơi xuống, máu chảy ra đỏ thắm áo mới hay. Nếu bỏ áo trong quần về nhà cởi áo ra chúng rớt xuống con nào con nấy no tròn như tép bưởi. Đăc biệt hơn nữa là khi cách xa bốn năm tất chúng có thể phóng qua đeo dính. Đáng sợ hơn đĩa là vậy.
Quận lỵ Thới Bình nằm trên bờ sông Trèm trẹm nước màu trà nhạt quanh năm, mùa mưa nước ngập tràn bờ lầy lội, đầy rẩy lục bình lá xanh bông tím nổi trôi cùng khắp, phố chợ bằng cây lợp tôn hoặc lá dừa nước, chợ tương đối sung túc hơn các Quận khác, bán đủ thứ thịt heo gà vịt cá , khô, mắm và các thứ rau cải xanh tươi, cũng có cà phê, hủ tiếu, mì, ngồi ngoài chợ ăn bún nươc lèo, hoặc cháu lòng ngon mà rẻ hơn. Nhiều nhứt là xe ép nước mía, mỗi ly đều có nặng nữa trái tắc vào , thơm ngọt đậm đà tình nghĩa.
Quận Trưởng là Trung úy Nguyễn Mâu, trẻ trung, năng động, đầy nhiệt huyết, biết chăm lo đời sống người dân, đem lãi niềm tin mà họ đã mất mát trong chiến tranh. Về sau Ông là Trung tá Giám Đốc một bộ phận quan trọng trong Tổng Nha Cảnh Sát Saigon. Người kế nhiệm Ông là Đại úy Nguyễn văn Hai cũng là nhà văn bút hiệu Song Song Văn Hai. Cuối năm 1960 Ông Hy sinh tại Quận nhà trong công tác qui dân lập Khu trù Mật.
Quận Đầm Dơi có 4 xã: Tân Duyệt, Tân Ân, Tân Thuận và Tân Hòa, là Quận có nhiều đất hoang chưa dược khai phá, Quận lỵ sâu trong ngọn rạch Đầm Dơi, có phố chợ, trường học, bệnh xá y tế, nhà bảo sanh. Dân chúng buôn bán cũng như làm ruộng trên đà phát triển, nông dân hồI cư lo sửa sang lại nhà cửa, chăm sóc lại mảnh vườn , trồng thêm dừa, mới bén lá, chuối vừa trổ bắp non như cuộc đời chớm nở đầy niềm tin hy vọng. Tân Duyệt là xã mọc nhiều lát chiếu tốt như bàng ở Đồng Tháp Mười, dân địa phương sống về nghề dệt chiếu vô cùng sắc xảo. Suốt trong thời Nam Kỳ tự trị đến thời Đệ I Cộng Hòa, chiếu đươc biết đến rộng rãi khắp nơi, nếu như gia đình nào còn dùng đệm bàng chưa một lần xài chiếu cũng biết được qua bài ca vọng cổ Tình Anh Bán Chiếu do nghệ-sĩ tài danh Út Trà Ôn ca : Ghe chiếu Camau cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy, sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra chào…..Cửa vườn cô đã khóa kín tự hôm nào…Tôi vác đôi chiếu bông từ dưới ghe lên xóm rẫy, chiếc áo nhuộm bùn đã lấm tấm giọt mồ hô. Nhà của cô sau trước vắng tanh, trong gió lạnh chiều đông bỗng ai dạo tên tiếng nguyệt cầm như gieo vào lòng người một nỗi buồn thê thảm….Nói tới cặp chiếu bông, chúng ta bỗng nhớ đến những câu ca dao trử tình nên thơ trong sáng liên quan tới chiếu như : Sáng trăng trải chiếu hai hàng, bên anh đọc sách bên nàng quay tơ. Còn trong giai thoại văn chương kể rằng cụ Nguyễn Trải một hôm nhàn rỗi tảng bộ hóng mát thấy nàng Thị Lộ gánh chiếu bán kêu lại hòi rằng :
Ả ở dâu mà bán chiếu gon.
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn.
Xuân thu nay được bao nhiêu tuổi.
Đã có chồng chưa được mấy con.
Đặt gánh xuống đất, người đẹp tình tứ nhìn Ông quan sang trọng, vừa phe phẩy quạt cho đỡ mệt vừa liếc mắt đưa tình đáp rang:
Em ở Tây hồ bán chiếu gon.
Can chi Ông hỏi hết hay còn.
Xuân thu nay độ trăng tròn lẻ.
Chồng còn chưa có có chi con.
Cuộc tình duyên nầy là định mệnh oan nghiệt đã khiến cho một bậc khai quốc công thần chết thảm khốc, tru di tam tộc. Thời Đệ I Cộng Hoà công nghiệp Mìền Nam phát triển mạnh, chiếu nylon rẻ đẹp bền lần hồi chiếm lĩnh thị trường, nên chiếu lát bị mai một. Nhưng bà con nông dân vẫn nhớ manh chiếu nghĩa tình, mùa nóng nực nằm vẫn thấy mát hơn vì nó rút mồ hôi.
Quận Trưởng là Đại úy Lê Phú Nhung, anh của Đốc sự Lê Phú Nhạn, Ông Nhạn có thời làm Phó Tỉnh Trưởng Hành Chánh Tây Ninh. Ông Quận Trưởng có tài về quân sự lẫn Hành chánh, hết lòng chăm lo đời sống nhân dân. Trong một lần công tác ở Ấp Tân Đức, đoàn Ông bị rơi vào ổ phục kích tử thương, đồng bào trong Quận cũng như Quân Cán Chánh trong tỉnh vô cùng thương tiếc.
Trên đường Bacliêu Camau qua khỏi Hộ phòng đến Tắc-Vân, Tắc Vân là Quận lỵ Châu Thành còn có tên là Quản Long là cửa ngỏ vào Thị xã Camau, phố chợ còn mới, nhiều vựa cá dọc theo bờ kinh xáng ghe tàu lúc nào cũng tấp nập sung-túc. Quận có 4 xã: Tân Xuyên, Hoà thành, Định Thành và Tân Lộc. Xã Tân lộc nằm trên ngã ba kinh Tắc thủ, rạch Ô rô và rạch Đầu sấu. là xã duy nhứt có đường xe ra tỉnh lỵ, nhưng cũng hư hao như đường đi quận Cái Nước chưa được tu sửa. Quận Châu thành có xãTân Lộc là phát triển nhất, nhờ bác Phan là một Xã trưởng gương mẫu của tỉnh, có lòng thương nước mến dân, có tinh thần chống cộng triệt để, có người em ruột làm Ủy viên Canh nông nhiệt tình năng nổ, biết chăm lo đời sống dân cày, nhất là về phần lãnh nợ vay tiền mua phân bón thuốc trừ sâu cung cấp đầy đủ, trao đổi lúa giống mới. Đời sống nhân dân trong xã trên đà phát triển tốt. Trong thời gian đo đất cấp phát cho nông dân xã nhà, bác Xã trưởng và chú Ủy viên Canh Nông tận tình giúp đỡ, đặt chương trình kế hoạch hẳn hoi, ấp nào làm trước ấp nào làm sau. Ưu tiên cho bà con nông dân sống hai bên bờ rạch Đầu sấu. Kết quả công tác nhanh chóng và tốt đẹp. Do đó bằng mọi giá CS phải ngăn chận diệt trừ. Chúng chờ đợi, về sau chúng đánh úp Xã. Bác Phan , Ủy viên Cảnh sát và một số nghĩa quân vệ hy sinh. Sau đó tỉnh cho đất thổ cư tại phường 4, thị xã Camau, giúp đở cất nhà cho cho vợ con bác Phan có nơi cư ngụ làm ăn,tránh CS tàn sát.
Tỉnh lỵ Caumau đặc tại ngã ba sông Gành Hào và kinh xáng đi Phụng Hiệp, chợ nằm trên bờ kinh cách sông Gành Hào chừng 500m cũng là khu phố chánh dọc theo đường Gia Long từ cầu quây đến sông Gành Hào rồi bẻ góc cặp theo sông đến kinh 16 qua khỏi xóm Lò nhang là hết. Chỉ có khuôn viên trường Tiểu học cổ xưa là rộng rãi, khang trang, bên trong trồng một số cây cồng nhưng không tốt lắm. Sau tỉnh lấy sân vận động trước Tòa Hành Chánh cặp theo nhà máy đèn, kinh 16, khu phố cũ qua Ty Công an , xây cất trường Trung học Nguyễn Hiền Năng.
Phương tiện duy nhứt của người dân các quận ra tỉnh lỵ buôn bán làm ăn giao dịch, tiếp xúc với Chánh quyền là tàu đò. Chiếc nào cũng vậy, với hai hang băng dài hai bên cho khách hang ngồi, chính giữa chất hàng hoá cả trên mui nữa. Bến tàu tấp nập kẻ lên người xuống suốt ngày, tiếng còi tàu vang dậy, thúc dục nhắc nhở khách hàng của mình. Khu buôn bán làm ăn tấp nập nhứt là bến xe hàng, phía bên kia bờ kinh ngang chợ, từ xế chiều tới nửa đêm, bến tàu rộn rịp kẻ khiêng người vác lên xuống hàng hoá đủ loại: Heo, gà, vịt, cá dồng, cá biển, mắm tôm cua từ cá quận chở về. Đèn điện không đủ sáng phải thắp thêm đèn khí đá, măng xông sáng rực cả góc trời. Hầu hết xe hàng chạy về thành phố Saigon ban đêm tránh kẹt bắc, ban đêm trời mát giảm mứt hao hụt do đường xa mất cả ngày.
Nhằm mở rộng tỉnh lỵ, khu Hành chánh và các Ty Sở chuyên môn được dời qua phía bên kia kinh xáng, từ Bạcliêu xuống qua khỏi nhà thờ, khu đất nầy rộng rãi, trống trải chỉ có cỏ hoang ngập nước. Tỉnh Trưởng là Thiếu tá Trần Thanh Bền, chức vụ sau cùng của Ông là Đại-tá Tổng Giám-Đốc Cảnh-Sát Quốc-Gia. Phó Tỉnh Trưởng Hành Chánh là Ông Đốc Sự Lý Hương Huy. Công việc quang trọng hàng đầu của tỉnh lúc bấy giờ là lo xây dựng lại đời sống dân chúng vùng nông thôn, tu sửa, cất thêm trường học, mở trạm y tế, nhà bảo sanh. Chánh quyền tỉnh tuyển chọn thêm sáu bảy trăm, giảng tập viên, y tá, nữ hộ sinh. Họ đến từ các tỉnh lân cận như : Bạc liêu, Ba Xuyên, Phong Dinh, Vỉnh Long, Long An,và Trúc Giang. Đó là tổng hợp những bông hoa khắp nơi, muôn màu muôn vẽ, đa dạng phong phú, tô điểm cho tỉnh mới thêm phần rực rỡ,tươi mát đáng yêu. Một buổi sớm mai nắng lên, trời hồng hồng sáng trong trong, người dân địa phương tại phố chợ ngỡ ngàng lặng ngắm những tà áo dài đủ màu, đủ loại hoa và cả màu trắng dáng dấp học sinh , bó sát những thân hình thon thả mềm mại theo đường cong của cơ thể , lộ nét tha thước, dịu dàng, kín đáo, sang trọng. Khi gió sông Gành Hào thổi nhẹ làm bay tà áo, gió cũng làm bay bay mái tóc trông thật duyên dáng đậm đà. Họ cũng thấy được rằng phố chợ có sự thay đổi, nhộn nhịp hẵn lên, sinh động rộn vui tiếng cười, giọng nói. Áo dài truyền thống cũng tràn ngập nhà hàng Đông Viên lớn nhất ở đây lúc bấy giờ. Điểm tâm ngoài cà phê, hủ tiếu, mì, xíu mại bánh mì còn có bánh tầm xíu mại lạ ngon rẻ, ai ai cũng muốn thử món điểm tâm đăc biệt địa phương, còn nếu ngồi ngoài chợ thưởng thức bún nước lèo, cháo lòng có 2$ một tô, giá sinh hoạt tại thị xã năm 1957, cà phê 1,50$, hủ tiếu 4,00$, ăn cơm tháng 500,00$. Lương Giảng tập viên, y tá, nữ hộ sinh trên 1.700,$. Tôi biết cô giáo Lang từ Mỹtho xuống đem theo đứa em trai học lớp nhì, cô giáo Công dạy trường quận Cái nước với hai con nhỏ sống trong nhà lá đơn sơ cũng no ấm, an lành hạnh phúc.
Trong công tác Cải Cách Điền Địa tôi lội khắp trong vùng xa mới thấy rằng nông dân không có đồng hồ. Trời nắng họ nhìn mặt trời rồi đoán giờ, tôi kiểm tra thử với đồng hồ tay của tôi thì không sai mấy. Còn đoán con nước sông rạch còn tài tình hơn nữa. Họ thuộc lòng những con nước lớn, nước ròng, nước ương theo ngày tháng âm lịch, để xuồng ghe đi đến nơi về đến chốn, tránh được nước ngược, mất thời giờ, ít tốn hao sức lực. Nếu không tính được con nước, có thể nhờ chim bìm bịp kêu mà biết nước lớn, nơi nào không có chim bìm bịp thì chịu thua:
Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi,
Buôn bán không lời chẻo chống mỏi mê.
Nông dân làm ruộng theo thời trời lợi đất, theo kinh nghiệm lưu truyền của ông bà, ít cải tiến sửa đổi. Đoàn kết, tương thân, hết lòng giúp đở lẫn nhau. Sau vụ mùa, lúa được phơi khô quạt sạch, để riêng phần lúa giống cho vụ tới, một phần để gia đình đủ ăn trọn năm; số dư để riêng khi cần bán, đổi chác. Ngoài cây lúa con cá, chăn nuôi không trồng được hoa màu phụ như ở miền đồng bằng sông Cữu Long. Đất thấp ngập nước, đấp đươc nền nhà cao ráo lên năm ba liếp quanh nhà trồng ít chuối ít dừa là quý rồi. Về dân tình, nói chung những cụ già dễ tánh hiền từ, những anh chị trẻ cần cù chơn chất, nhiệt tình cởi mở, hiếu khách , có sao nói vậy, một hai bửa cơm không nhằm nhò, miễn có gì ăn nấy. Ban đêm đốt đèn dầu, thường thì ngủ sớm, đi ngủ ngồi lên ván hoặc giường hai lòng bàn chân chà vào nhau hoặc vỗ phành phạch cho rớt đất rồi đánh một giấc tới sáng. Sáng ngủ dậy không cần đánh răng, chỉ sút miệng sung sụt mấy cái, có khi thọc ngón tay trỏ vào chà tới chà lui là xong, ăn cơm sớm ra đồng. Họ sống tuy còn nghèo nhưng thanh thảng, đầy niềm tin hy vọng ở ngày mai tươi sáng.
Đặc sản có mật ong tràm, tôm khô, tôm lụi, khô cá khoai, mắm ba khía, cua gạch, tôm lụi là tôm thẻ xỏ liền nhau bằng cộng lá dừa chừng mười đến mười hai con cùng một cở, xâu tôm tôm khô trong bóng rất nhẹ, nuớng bằng rượu đế bỏ chút xíu muối bọt ngon hơn nướng lửa than, cua gạch là cua biển nhằm lúc tối trời, gạch vàng đỏ ửng đội vung mu chắc cứng, dân miền trên thường nói chắc như cua gạch Camau.. Những khi sáng trăng cua không có gạch lại ốm nhưng ăn vẫn ngon. Cua chỉ có nhà hàng mới rang muối, rang me chớ trong quê thông thường chỉ luộc hay hấp chin rồi làm dĩa muối tiêu chanh là xong, nhâm nhi với rượu tây rượu ta gì cũng tới chỉ cả. Ngoài ra xin nói thêm một chút về cá bóng kèo. Cá bóng kèo thích hợp với môi trường sình lầy, nước lợ, như Bạcliêu, Cảmau, các vùng sông Tiền sông Hậu nước ngọt quanh năm nên không có. Cá kèo nhiều vô số kể vào mùa mưa, chúng lội từng đàn đen nước, chật đến nổi chúng phải lội đứng nhóc mỏ lên, bắt làm khô vô bao bố tời chở đi bán khắp nơi trong nước, giá rẻ bình dân. Đi xem hát cải lương ngồi mấy hàng ghế sau cùng hoặc đứng gọi là hạng cá kèo. Mấy món ăn hấp dẫn của cá kèo là nấu canh chua trái giác, trái bứa, trái bần chua gì cũng được; kho mẵn. Cách làm cũng dễ nếu ở dưới ghe người ta bỏ vào rổ lớn úp rổ nhỏ lên thọc xuống nước xốc một hồi đem lên nấu, còn ở trên bờ cho vô thau bỏ thêm chút muối đậy lại, nước mặn cá dãy dụa lung tung nhớt tuông ra, nếu làm sạch quá cá sẽ cứng mùi vị lại không ngon. Ông già bà cả ở đây nói rằng ăn cá bóng kèo nên ăn luôn cái mật tuy có đắng nhưng có vị thuốc khu phong, giúp trị phong thấp ngứa ngái.
Bên nầy mỗi khi thấy gói cá bóng kèo đông lạnh tôi chợt nhớ về Miệt Thứ Càmau mịt mùng xa cách với nỗi lòng man mát không vui.
Bước vào đời với lứa tuổi đôi mươi, lẻ loi, đơn độc, nhiều mặc cảm. Thế nhưng suốt 5 năm làm công tác Cải Cách Điền Địa, lội khắp đó đây nhờ tình thương nồng thắm của đồng bào ban cho với những niềm vui ấm áp đầy nghĩa tình. Chính nơi đây đã dạy cho tôi nhiều bài học yêu thương và tình người, cho tôi nhiều kỹ niệm không thể nào quên. Có gần gũi chung đụng với người dân nông thôn mới thấy rõ cách cư xử của họ, mới thấu hiểu cá tánh và tâm hồn của dân tộc Việt Nam, mới thấy được sự thật đáng thương đáng mến., nhất là tình thương giữa người với người thấm nhuần trong tôi và lớn dần theo tuổi tác. Tôi luôn nhắc nhở mình noi theo gương tốt sống cho nên người, thương người thể thương thân như bài học hồi còn cấp sách đến trường.Tôi tin tưởng và tiếp tục bước trên con đường tốt đẹp ở tương lai.
Cũng như mọi người khi ra đi mang theo biết bao nhiêu là kỹ niệm buồn vui thân thiết, từng mãnh ruộng vuôn vườn, từng con rạch có tên mộc mạc như rạch Rau dừa xã Tân Hưng, hoang dã như rạch Đầu sấu xã Tân Lộc, với chiếc xuồng ba lá, với mâm cơm cá đồng, mắm kho, rau bông súng, dưa bồn bồn trắng, dưa chua bông điên điển vàng. Ôi ! có biết bao nhiêu điều để nhớ, để thương, nhớ thương đến quặng thắc cả ruột gan. Có người nói : Trong tất cả mọi khổ đau, cái nào thời gian cũng có thể làm nguôi ngoai, trừ một cái không nguôi được, đó là nổi khổ đau phải xa quê hương./
Phan phi Hùng
Calgary CANADA.
Komentarze